Nói đến người con gái anh hùng Võ Thị Sáu của quê hương Đất Đỏ thì ai ai cũng biết. Khắp nước ta, nhiều thành phố, thị xã có đường Võ Thị Sáu, nhiều nơi có trường học mang tên Võ Thị Sáu. Nhiều người còn thuộc lòng lý lịch chị Sáu: Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1933 tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa.
Năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Tết Canh Dần (1950), Võ Thị Sáu tình nguyện tìm diệt bọn ác ôn chuyên vào chợ Đất Đỏ quê chị để cướp bóc. Diệt được bọn ác ôn này, nhưng Sáu lại bị bọn ác ôn khác đuổi theo, bắt được.

Tháng 4-1950, Võ Thị Sáu bị giam ở khám Chí Hoà. Bọn Pháp mở phiên toà xử chị "án tử hình" khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết. Bốn giờ sáng ngày 21-1-1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo.

Ngày 23-1-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát bài Tiến quân ca. Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Đó là 7 giờ sáng ngày 23-1-1952, Võ Thị Sáu chưa đầy hai mươi tuổi.

Trong hành trang tâm hồn tôi có những câu thơ về Chị Sáu của nhà văn Phùng Quán: Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven đường/ Cài lên mái tóc rối tung/ Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê…/ "Trên cành chim hót chim ơi/ Ta làm cách mạng ta vui đến cùng"… Tuổi thơ tôi ở miệt cát Thượng Luật heo hút ven biển Quảng Bình cũng thuộc bài hát về chị Sáu: "Mùa hoa lêkima nở. Ở quê ta miền Đất Đỏ. Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng. Đã chết cho… mùa hoa lêkima nở… Chị Sáu đã hi sinh rồi. Giọng hát vẫn như còn vang dội. Vào trái tim của những người đang sống. Giục đi lên không bao giờ lui…".

Năm 1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thị trấn Đất Đỏ đã dựng tượng Võ Thị Sáu cao 6m. Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu ở khu B được xây lại đàng hoàng hơn, là ngôi mộ được nhiều người thăm viếng nhất. Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển, quanh năm lộng gió.

Nhưng ra Côn Đảo, đến nghĩa trang Hàng Dương, tôi còn được nghe nhiều huyền thoại về chị Sáu. Những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, nhưng ẩn chứa một sự ngưỡng mộ, tôn thờ theo truyền thống Á Đông đối với những người anh hùng vì dân, vì nước đã được bất tử hóa như một vị thần. Những câu chuyện người dân Côn Đảo kể về chị Sáu không có trong sử sách, nhưng còn lưu truyền mãi như những truyền thuyết dân gian…

Ở tượng đài Võ Thị Sáu tại thị trấn Đất Đỏ cũng như ở Côn Đảo, người dân quanh năm khói nhang cho cô Sáu. Anh Bảy Oanh, một cựu tù Côn Đảo hiện là Trưởng Ban quản lý Di tích Côn Đảo kể rằng, ở Côn Đảo bây giờ, nam nữ thanh niên trước khi làm đám cưới thường ra Hàng Dương viếng mộ chị Sáu. Họ thắp hương, cúng gương lược, rồi lầm rầm khấn vái mong chị phù hộ cho "đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc".


Hiện vẫn còn vài chục gia đình công chức, gác ngục thời ấy ở lại Côn Đảo, trong nhà họ đều có bàn thờ chị Sáu và coi chị như thần hộ mệnh! Bà con gọi chị Sáu là cô Sáu hoặc bà Sáu. Khi thề bồi thì người ta nói: "Thề có cô Sáu chứng giám". Khi mắng nhau thì bảo: "Cô Sáu vặn cổ mày đi"! Ngày 23-1 hằng năm là ngày giỗ cô Sáu. Đây là ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo mà Nhà nước và nhân dân cùng tổ chức. Người dân ở mãi TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp…, dù phải vượt biển vẫn ra Côn Đảo giỗ cô Sáu. Trong số họ có rất nhiều người trước đây là cai ngục ở các nhà tù Côn Đảo.

Trong nhà tưởng niệm, ấn tượng nhất là tủ lễ vật bà con cúng giỗ cô Sáu từ nhiều năm qua. Cái tủ kính cao to treo chật hàng mấy chục bộ quần áo dài thiếu nữ đủ màu trắng, xanh, tím hoa cà. Một người dân bảo với tôi: "Vì bà Sáu mất khi còn trinh nữ, lại bị kẻ ác giết oan, nên rất linh thiêng, ai ăn ở hiền lành thì bà phù hộ, ai ác độc thì bà vặn cổ!".

Trong tủ còn có cái hộp đựng đồ trang sức đầy ắp dây chuyền, bông tai, nhẫn vàng… người dân cúng để cô Sáu làm trang sức. Tôi hỏi cô Thanh Vân - hướng dẫn viên của Di tích: "Dây chuyền, hoa tai này là vàng thật hay giả?". Thanh Vân trừng mắt: "Thật chứ làm sao giả được. Giả là cô Sáu vật chết ngay à!".

Những huyền thoại Võ Thị Sáu linh thiêng xuất hiện ngay từ khi cô nằm xuống trên đất Hàng Dương hơn 60 năm trước. Thanh Vân kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về hồn thiêng cô Sáu. Ngày trước, trước mộ cô Sáu có một cây dương già bị khô phần ngọn, chỉ còn gốc cây và một nhánh dương tươi tốt vươn thẳng về phía bắc. Người dân bảo đó là hồn cô Sáu hướng về phía bắc, về Bác Hồ.


Người dân Côn Đảo bảo rằng họ đã từng nhìn thấy cô Sáu bước ra từ cây dương mỗi tối. Cô mặc áo dài trắng, lướt qua từng đường phố, hiện lên trước cửa từng nhà, nhìn tận mặt từng người. Sau khi giám sát mọi việc thiện ác trên đảo, cô Sáu lại trở về biến hình vào cây dương khi trời chưa sáng, trước lúc mọi người thức dậy, đến nghĩa trang Hàng Dương, thắp hương, cắm hoa trước mộ cô trước khi đi làm việc.

Ngay tấm bia mộ cô Sáu cũng có nhiều huyền thoại. Sau hôm cô Sáu bị giặc Pháp giết, kíp tù làm thợ hồ ở Khám 2, Banh 1 đã đúc bia bằng ximăng, dựng trước mộ. Chúa đảo Jarty tức tối dẫn lính lên nghĩa trang đập vỡ tấm bia, cào bằng mộ. Nhưng bọn cai tù không sao hiểu nổi, mỗi lần chúng đập phá bia mộ, ngay hôm sau ngôi mộ và tấm bia lại hiện lên như trước… Dân đảo đồn rằng cô Sáu linh thiêng, không ai có thể phá được mộ cô. Câu chuyện làm cho bọn gác ngục, bọn tù gian sợ sệt, chùn tay. Thực ra mộ và bia mộ đó đều do anh em tù thợ hồ làm trong đêm.

Những người tù già ở Côn Đảo kể rằng, sau khi hành quyết Võ Thị Sáu, người lính lê dương già bỏ ăn suốt hai ngày. Ông ngồi suốt đêm ở gốc bàng đầu Cầu Tàu. Thẫn thờ, hốc hác. Ông tâm sự với người tù làm bồi: "Đôi mắt cô gái đã ám ảnh tôi, và có thể sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Tôi phải bỏ nghề, tôi không thể bắn được nữa!".

Cô Liễu, vợ tên giám thị Ruby, người đã ngất xỉu khi chứng kiến cuộc hành hình cô Sáu, kể rằng: Xẩm tối hôm 30 Tết, cô lén chồng đem hương hoa lên viếng mộ cô Sáu, bỗng thấy một người con gái mặc áo dài trắng từ một ngôi mộ đi ra. Liễu sụp lạy rối rít. Trên đường về nhà, đi tới đâu Liễu cũng thấy bóng cô gái trước mặt. Thế là Tết ấy, vợ chồng Liễu lập bàn thờ thờ cô Sáu ở nơi trang trọng nhất, sớm tối hương khói. Từ đó nhiều gia đình gác ngục người Việt lập bàn thờ cô Sáu. Họ tin rằng, một người con gái chết trẻ và chết thiêng như thế sẽ hoá thần.

Vợ chồng viên cò Vol Peter tết năm ấy cũng dắt nhau lên mộ cô Sáu trồng khóm hoa dừa, là loài hoa mà Võ Thị Sáu đã vuốt ve ở sân Sở Cò, khi vợ Vol Peter đề nghị chồng cho chị mười phút ra sân hong tóc, tắm nắng chuẩn bị ra pháp trường. Đến hôm nay, những khóm hoa dừa đó vẫn nở bên mộ cô Sáu. Có lần người dân đảo xôn xao về cái chết của tên tù gian Nguyễn Văn Tân. Xác hắn bị treo trên cây bằng lăng trong vườn nhà Giám thị trưởng Passi. 

Người ta cho rằng, hắn bị giết chết vì vụ thất thoát 200 ngàn đồng (tiền Đông Dương) của Hợp tác xã Tiêu thụ mà hắn làm kế toán. Nhưng dân đảo thì cho rằng, tên Tân chết là do cô Sáu "bắt" vì hắn là tên hung hăng nhất trong đám đập bia phá mộ cô Sáu! 

Cũng thời gian ấy Chúa đảo Jarty bị rơi sao, mất chức vì vụ 200 tù nhân đóng thuyền vượt ngục ở Bến Đầm. Người ta bảo cô Sáu đã "phù hộ" anh em tù đào hầm đóng thuyền vượt biển và trừng trị tên chúa đảo vì hắn quá tàn ác. Bạch Văn Bốn, tên chúa đảo đầu tiên thời Mỹ - Diệm khét tiếng chống cộng, cưỡng ép tù nhân ly khai cộng sản, cấm viếng mộ cô Võ Thị Sáu. Trong 4 năm Bốn làm tỉnh trưởng Côn Đảo đã có 500 tù nhân bị giết. Hắn biết chuyện cô Sáu linh thiêng, nhưng hắn cho là luận điệu tuyên truyền của Việt Cộng. Một khuya, Bốn mở cửa Dinh ra sân, hắn thấy một người con gái bước ra Cầu Tàu. Hắn rút súng cầm tay. Chợt cô gái quay phắt lại, bước tới và nhìn thẳng vào mắt hắn. Sợ quá, Bốn bủn rủn chân tay, để rơi khẩu súng, hớt hải chạy vào nhà, đóng cửa lại và lầm rầm cầu nguyện. Từ đó Bốn rất sợ cô Sáu.

Có thằng tên là Nghị mới bị đày ra đảo làm trật tự an ninh, chưa biết oai linh cô Sáu. Hắn nghe lời tỉnh trưởng Lê Văn Thể (thay Bạch Văn Bốn) ra đập phá bia mộ cô Sáu. Hắn đập nát bia, đập luôn lư hương và hai bình cắm hoa. Tất nhiên hôm sau tấm bia mới lại được dựng lên. Còn tên Nghị thì ít hôm sau người ta thấy hắn gầy tóp lại, vật vờ dọc đường phố gần nhà thương. Hắn sốt li bì, không ăn uống gì được. 


Nhà thương Côn Đảo không chữa được, làm giấy chuyển hắn vào nhà thương Chợ Quán. Ba ngày sau hắn chết. Tỉnh trưởng Côn Đảo Tăng Tư lên thay Lê Văn Thể. Hắn nghe kể nhiều về cô Sáu nên âm thầm lập bàn thờ cô Sáu tại tư dinh và không dám tàn nhẫn với tù nhân.

Tăng Tư đã một lần dùng oai linh cô Sáu để xử kiện. Hai tên giám thị nghi ngờ nhau ăn trộm, làm đơn kêu kiện. Tăng Tư ra lệnh hai đứa nhảy lên xe ra mộ cô Sáu mà thề, đứa nào gian cô Sáu biết ngay. Thế là có đứa sụp xuống nhận tội! 

Chính tên Tăng Tư này đã về Chợ Lớn đặt một tấm bia mộ Võ Thị Sáu bằng cẩm thạch chở ra đảo, làm lễ đặt bia rất long trọng. Tấm bia mộ bằng đá cẩm thạch đó tồn tại được 9 năm, lại bị thằng tù quân phạm tên là Sước nghênh ngang vác búa đập phá. Sáng hôm sau, thấy vắng Sước, người ta đi tìm thì thấy hắn đã nằm chết trên một tảng đá to phía bờ biển!

Chuyện cô Sáu linh thiêng bà con Côn Đảo kể cả ngày không hết. Tôi nhớ trước đây, ở căn hộ của nhà văn Phùng Quán phía sau Trường Chu Văn An có lập một bàn thờ thờ chị Võ Thị Sáu! 

Trên bàn thờ có treo một bài thơ dài cắt ra từ Báo Tiền Phong năm 1955, cùng với bức ảnh chị Võ Thị Sáu bên cạnh, đóng khung rất trang trọng. Đó là Trường ca Võ Thị Sáu, giải Nhất cuộc thi sáng tác hưởng ứng Đại hội liên hoan Thanh niên, sinh viên thế giới Vacxava (Ba Lan). Anh Quán thờ bài thơ và chị Sáu từ năm 1982, khi hai vợ chồng dọn về ở đây, như một bảo vật.

Anh thường bảo với tôi: "Cô Sáu thiêng lắm. Hình như cô Sáu bày cho mình biết trước nhiều chuyện tai ương cuộc đời để né tránh, từ sau vụ "nhân văn" ấy…! Võ Thị Sáu dạy mình sống thuỷ chung với lý tưởng mà mình đã chọn: Vệ Quốc Đoàn! 

Ngày nào mình cũng thắp nhang trên bàn thờ cô Sáu. Mỗi lần thắp nhang khấn vái cô Sáu, đầu óc mình như sáng láng hơn lên, viết suốt ngày không biết mệt! Vì sự cố nghề nghiệp nên khi in sách mình ký bút danh khác, nhưng cũng kiếm được tiền nuôi các cháu! Ơn chị Sáu to lắm".

Nghe huyền thoại cô Sáu, tôi cứ miên man nghĩ về sự tồn tại vĩnh hằng của con người. Người như Võ Thị Sáu, dù chết khi còn rất trẻ, nhưng là người sống mãi với nhân dân, với hồn thiêng sông núi.
Theo Ngô Minh/Công an nhân dân

Bài viết cùng chuyên mục