Cảm giác thật hồi hộp, háo hức khi tôi đặt chân lên máy bay, chuẩn bị cho hành trình ghé thăm Côn Đảo – một nơi quen mà lạ, gần gũi mà cứ vời vợi xa.
 
" Một quần đảo xanh biếc
     Giữa chập trùng biển khơi
     Côn Đảo trang sử liệt oanh
     Côn Đảo giữa ngàn trùng xa

     Trời xanh, biển xanh, và đảo xanh thế cho lòng ngẩn ngơ"

Đường từ sân bay Cỏ Ống- Côn Sơn vào trung tâm huyện đảo dài khoảng 10 km và đây là con đường duy nhất, chạy dọc ven biển. Những cung đường được trải nhựa phẳng lỳ nhưng quanh co, hiểm trở. Cảm giác đi trên cung đường ấy thật lạ, hồi hộp và đầy ấn tượng.

Đến gần thị trấn, dọc hai bên đường bạt ngàn loài hoa mai Anh Đào rực thắm. Nhìn những nhành hoa thắm hơn những màu hoa nơi khác, tôi băn khoăn hỏi thì em HDV nói rằng: “Mỗi thước đất ở Côn Đảo đều được trộn xương và máu của các chiến sỹ Cộng sản nên hoa ở đây thắm hơn các nơi khác trên mọi miền Tổ quốc”.

Quá khứ chẳng thể ngủ yên khi nỗi mất mát của con người quá lớn. Hàng loạt những công trình, kiến trúc vẫn còn đó như một minh chứng cho một thời kỳ đau thương lịch sử. Trong suốt 113 năm (từ tháng 2 năm 1862 đến tháng 5 năm 1975), kẻ thù đã giam giữ, tù đày, tra tấn hàng vạn người yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản. Gắn với mỗi cái tên công trình, kiến trúc là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn những con người bị tra tấn đã ngã xuống.

Sắm lễ viếng mộ Cô Sáu

Chúng tôi đến khách sạn là 14h00, sau khi nhận phòng và ngủ một giấc ngon lành, mọi người trong đoàn trở dậy lục đục sắm lễ và chuẩn bị đi tham quan các danh lam thắng cảnh tại Côn Đảo.

Do đi lần đầu nên các chị trong đoàn rất chu đáo, chuẩn bị hoa tươi từ nhà và thêm đó còn có 1 chiếc áo dài trắng may bằng vải để làm lễ dâng Cô. Tôi hỏi tại sao mình không dùng áo dài bằng giấy thì các chị nói dùng áo dài thật để dâng tại nhà tưởng niệm và cuối năm Ban quản lý di tích mang đi làm từ thiện có ý nghĩa hơn.

Luôn là đứa nhanh nhẹn và thích khám phá, tôi nhờ chị chủ khách sạn cho mượn chiếc xe máy và được thêm sự tư vấn nhiệt tình của chị, một mình tôi lái chiếc xe máy một tay cầm điện thoại định vị đường đi cuối cùng tôi cũng đến được chợ Côn Đảo. Đúng là ở nhà thì cứ lo thiếu mọi thứ, ra chợ Côn Đảo cái gì cũng có, hoa tươi rất đẹp và cũng không đắt.

Việc đầu tiên, tôi mua một lễ nặm để đặt tại mộ Cô Sáu, mất khoảng 500 nghìn đồng, được 1 con gà, 1 mâm sôi, trầu, cau, thuốc nước, quần áo trang phục của Cô Sáu. Sau đó, thêm 100 nghìn đồng nữa được 1 giỏ trái cây rất đẹp. Xong xuôi mọi việc, tôi cho số điện thoại, địa chỉ khách sạn và hẹn giờ mang lễ đến.


Vậy là phần lễ đã xong bởi từ khi ở nhà, đoàn chúng tôi đã chuẩn bị các lễ để đặt tại Khu tưởng niệm tượng đài (hoa quả, bánh kẹo, quần áo bộ đội, hoặc quần áo chúng sinh); mộ Cụ Võ An Ninh và Lê Hồng Phong (gói bánh, kéo...); miếu bà Phi Yến (bánh kẹo, hoa quả, vàng hương); chùa Vân Sơn (Chùa Núi một- bánh kẹo, hoa quả, vàng hương); miếu Hoàng Tử Cải (bánh kẹo, hoa quả, vàng hương).

Điều quan trọng nhất ở đây là phần lễ mộ Cô Sáu phải có: 1 nón lá, 1 sấp giấy tiền vàng bạc tổng hợp, 1 bộ lược gương, 1 sấp thỏi vàng, 1 chai nước suối, 1 bó nhang và không thể thiếu 1 bó hoa trắng. Cô Sáu rất thích hoa trắng nên tuyệt đối đừng quên món đồ cúng này.

Ngoài ra, bạn có thể đặt mua cả áo dài mã chất liệu bằng gấm, đôi hài thêu hay bộ đồ bà ba để lễ Cô. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, bạn có thể lựa chọn thêm những món đồ lễ đặc sắc khác để tỏ lòng thành kính với Cô. Khi sắp xếp đồ lễ, các bạn để ngửa nón lá lên, sau đó bày tất cả đồ cúng vào lòng nón lá, rồi đặt lên mộ Cô Sáu hoặc làm theo hướng dẫn của Ban quản lý di tích.

Lịch trình đi lễ

Sau khi chuẩn bị xong phần lễ, khoảng 16h30 phút, đoàn chúng tôi lên xe đến điểm đến đầu là miếu Năm Cô. Truyền thuyết kể rằng, họ là những người có quyền năng phi phàm muôn hình vạn dạng, có thể biến một thanh kim loại thành một công cụ làm việc; có thể biến đất đai khô cằn trở nên màu mỡ. Năm vị thần với năm khả năng đặc biệt, tương ứng với từng yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, mỗi yếu tố lại đại diện cho các lĩnh vực của cuộc sống từ kim khí, nguồn nước, cây quả cho tới đất đai, củi lửa… Và cũng chính những yếu tố này là cội nguồn để hình thành nên các nghành nghề trong cuộc sống của người dân trên đảo.

Đến 17h00, đoàn chúng tôi quay trở lại chùa Vân Sơn Tự. Đây là  công trình kiến trúc văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt, thể hiện được tinh thần dân tộc Việt, kiên định, vững vàng, bất khuất vượt qua mọi thử thách. Đồng thời, công trình được tổ chức hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh, kết nối chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử Côn Đảo, cũng là điểm tham quan của du khách đến với Côn Đảo; nơi tôn nghiêm để du khách và nhân dân địa phương gửi gắm tâm nguyện an lành và hướng thiện.

Tại đây, đoàn được nhà chùa mời uống nước hạt é Côn Đảo miễn phí rất mát và bổ, phía sau nhà chùa còn có chỗ cho khách thập phương xin 1 chuỗi vòng mầu đen và xin thẻ may mắn cho bản thân và gia đình.

Làm lễ chùa Vân Tự Sơn xong, đoàn trở xuống làm lễ tại miếu Bà Phi Yến lúc này trời đã nhá nhem tối. Miếu Bà Phi Yến và Miếu Cậu – 2 điểm đến linh thiêng, thần bí của vùng đất này. Theo lời kể của người dân nơi đây, Miếu Bà là nơi thờ thứ phi Phi Yến, tục gọi là bà Lê Thị Răm, còn Miếu Cậu là nơi thờ Hoàng tử Cải – con trai của bà.

Ngay khi bước vào miếu, bạn sẽ cảm nhận được sự tôn nghiêm, thanh bình nơi đây. Ở giữa sân có một hồ cá nhỏ góp phần tạo nên phong cảnh thanh bình cho ngôi miếu, ngoài ra còn có hai bức tượng linh vật sư tử oai phong, thần bí. Không gian bên trong miếu được bài trí gọn gàng với các gian thờ Phật, thờ Bà Phi Yến, thờ Bác Hồ…

19h00, chúng tôi trở lại khách sạn, tắm táp và đi ăn tối. Sau bữa tối, đoàn tản bộ tự do cảm nhận cảnh yên bình nơi Côn Đảo.
21h30, đồ lễ tôi đặt lúc chiều đã được đưa đến khách sạn và chúng tôi tập trung chuyển đồ lễ lên xe khởi hành đến Nghĩa trang Hàng Dương. Lần đầu tiên đặt chân tới đây. Dấu ấn sâu lắng nhất đọng lại là nghĩa trang Hàng Dương … là minh chứng cho tội ác của thực dân – đế quốc. Trong tôi là di tích: đày ải, chết dần, chết mòn trong ngục tối. Hơn hai vạn người đã vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất thiêng liêng này. Thật đúng là:
                   Núi Côn Lôn được pha bằng máu
                   Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người
                    Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
                   Mỗi tảng đá là một trời đau khổ

                   (Côn Đảo và những truyền thuyết)

Đúng 21h30, tôi và đoàn có mặt tại Nghĩa Trang Hàng Dương thời khắc lúc đó là đêm ngày 30/2 âm lịch năm 2016. Bước chân đầu tiên vào nghĩa trang, người tôi ớn lạnh, lòng nặng trĩu nỗi niềm ưu tư. Lúc này trong tôi gợi nhớ về một tiểu thuyết chuyện tình cảm giữa Anh hùng Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu mà ngày bé tôi có đọc trộm chuyện của dì tôi. Ngay lúc này, trong đầu tôi đã tưởng tượng ra sự tra tấn dã man và sự kiên trung của những người tù Cộng sản.

Đoàn tập trung làm lễ tại Đài tưởng niệm với một lòng thành kính và biết ơn vô cùng các Anh hùng liệt sĩ đã kiên trung hy sinh vì lý tưởng độc lập cho dân tộc.

Sau khi làm lễ tại Đài tưởng niệm, đoàn chúng tôi bắt đầu đi vào viếng mộ các chiến sỹ cách mạng nổi tiếng, tiêu biểu như mộ nhà yêu nước Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh nằm tại khu A nghĩa trang Hàng Dương. Du khách đi lễ lần lượt từ khu A, đến khu B, khu C, và cuối cùng là khu D.

Sau nghi hạ lễ đốt vàng mã tại đài tưởng niệm, đoán bắt đầu ra khu vực mộ Cô Sáu, lúc này đã là 22h00 đêm. Khách đến rất đông, hầu như để chen được chỗ đặt lễ ngay ngắn là rất khó, chỉ còn kiên nhẫn chờ đến lượt mình vào làm lễ, tránh chen lấn, xô đẩy. Mỗi lần đặt lễ, BQL sẽ cho thắp hương khoảng 30 phút là phải dọn đồ cho khách khác đặt lễ.

Đúng 23h55, khói hương nghi nghút, mắt cay xè vì hương khói, vì thương nhớ Cô Sáu, mọi người bắt đầu lầm rầm khấn, bỗng vang vút  giọng hát: "Mùa hoa lêkima nở. Ở quê ta miền Đất Đỏ. Thôn xóm vẫn nhắc tên người Anh hùng. Đã chết cho… mùa hoa lêkima nở… Chị Sáu đã hi sinh rồi. Giọng hát vẫn như còn vang dội. Vào trái tim của những người đang sống. Giục đi lên không bao giờ lui…Tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu ...Người nữ Anh hùng"

Tất cả những người đi lễ cùng hát theo ca khúc đó rồi tiếp theo ca khúc “Màu hoa đỏ”, Ca khúc “Tổ quốc tôi”… cứ lần lượt vang lên. Đâu đó, nhiều tiếng sụt sùi khóc vì thương những người chiến sỹ nằm lại nơi này, quanh năm chỉ có biển rì rào; không được trở về cùng gia đình và người thân yêu của mình...

Kết thúc buổi lễ ra về, tất cả người trong đoàn không ai nói với ai một câu, trong lòng ai cũng ngậm ngùi thương cảm.
Có một chị trong đoàn chợt thốt lên, sao bờ vai nặng quá như có ai vít vậy? Bác ngồi cạnh tôi nói, con có biết vào Côn Đảo người ta kiêng gì không? Đó là kiêng gọi tên nhau trong đêm, kiêng chụp ảnh, kiêng tắm biển tại bãi biển công cộng. Bởi vì ở đây rất linh thiêng nhiều vong muốn nhập theo mình về nhà.

Rồi câu chuyện về tấm bia mộ huyền thoại của Cô Sáu cùng những số phận bi thảm của những kẻ sát hại Cô được người dân trên đảo truyền tụng lại cứ lẫn khuất trong tâm chí tôi…

Đất Côn Đảo đã trở thành đất thiêng và trong câu chuyện của ngày hôm nay với màu xanh bất tận của biển trời, với cảnh sắc và con người trong quá khứ và hiện tại đã dâng hiến cho mỗi ai một lần đến thăm đảo có một niềm tin vào sự thánh thiện, vĩnh hằng. Và dù rời xa Côn Đảo nhưng vẫn luôn nhớ, luôn mong ngày thăm trở lại. Riêng tôi, khi nhớ về Côn Đảo là nhớ về quá khứ một thời, về những mất mát đau thương mà cha ông ta đã trải qua để con cháu đời sau được sống trong hoà bình, ấm no, hạnh phúc. Tôi tự hứa với lòng: cần phải sống sao để không phụ công ơn của thế hệ đi trước. Có như thế thì sự hy sinh của họ mới không trở nên vô nghĩa.
Lam Thảo

Bài viết cùng chuyên mục